Đấu thầu Mua săm công

Thanh niên học và hành theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 13/03/2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo giáo dục thanh niên. Người coi tương lai, tiền đồ của Tổ quốc và sự thành công của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào thanh niên. Đồng thời, các thế hệ thanh niên nước ta cũng nhất mực yêu thương, quý trọng Người và không ngừng học tập, phấn đấu, làm theo lời dạy của Người.


Một là, thanh niên phải có lý tưởng, có ý chí, có hoài bão cách mạng.

Từ thuở đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, nhân dân ta sống kiếp ngựa trâu dưới ách thực dân, phong kiến tưởng như không có đường ra, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã tự nhận trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc một cách lặng lẽ về mình là ra đi tìm đường cứu nước. Người đi khắp năm châu bốn biển suốt mấy chục năm trời vừa kiếm sống, vừa học tập vừa tham gia phong trào cách mạng quốc tế để tìm đến lý tưởng cách mạng, tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm đến chủ nghĩa xã hội khoa học.

Khi về nước, Người lãnh đạo thanh niên, đào tạo cán bộ, thành lập Đảng bộ tham mưu, lãnh đạo cách mạng nước ta. Người phải vượt qua muôn vàn thử thách cả về sự khó khăn của tình thế cách mạng lẫn thiếu thốn về vật chất, tài chính, vũ khí, lực lượng đến đói rét, bệnh tật... vẫn vững một lòng tin sắt son là kiên quyết lãnh đạo dân ta đứng lên tự giải phóng cho ta. Lý tưởng đấu tranh đánh đuổi đế quốc, đánh đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân là sức mạnh vật chất, tinh thần, là lẽ sống lớn lao của Người. Trong mọi gian nan tù đầy, mọi nguy nan của tình thế, Người không chút nản lòng. Người vẫn ung dung tự tại, tin ở nhân dân, tin ở Đảng, tin ở đoàn thể, tin ở quy luật phát triển, tin ở tương lai tiền đồ của dân tộc. Người dạy chúng ta:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Người coi mọi việc muốn thành công, thanh niên phải nhận thức rõ vấn đề. Tức là phải giác ngộ lý tưởng, phải hiểu rõ việc mình làm. Quan trọng hơn là thanh niên phải giữ được độ bền của ý chí, phải kiên trì, bền bỉ thắng không kiêu, bại không nản, quyết tâm làm đến cùng và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thanh niên chúng ta ngày nay được thừa hưởng những thành tựu cách mạng của các thế hệ cha anh đã để lại. Song sự nghiệp cách mạng, lý tưởng phấn đấu vẫn tiếp tục đặt lên vai các thế hệ thanh niên nước ta là thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; quyết không chịu để nước ta nghèo hèn, tụt hậu, thua kém các nước anh em; đưa đất nước ta vững bước cùng nhân loại đi vào thế kỷ XXI, đi vào thế giới hiện đại bằng thế và lực mới.

Hai là, thanh niên không ngừng học tập nâng cao trình độ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thanh niên là lực lượng lao động chính của xã hội, nhất là xã hội hiện đại, chúng ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thanh niên không thể không học tập nâng cao trình độ.

Song thanh niên học cái gì và học như thế nào, học ở đâu, học bằng cách nào? Những câu hỏi đặt ra như vậy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy dỗ, chỉ bảo rất cụ thể, chi tiết.

Người dạy thanh niên phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để trang bị cho mình thế giới quan, phương pháp khoa học và cách mạng, phải học văn hóa, học khoa học kỹ thuật và công nghệ, học chuyên môn nghiệp vụ... để không ngừng chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ, đi đầu trong lao động sáng tạo, tiến mạnh vào kinh tế tri thức.

Học ở đâu? Người dạy thanh niên học ở nhà trường, học trong thực tiễn cuộc sống, học ở bạn bè.

Học như thế nào? Người dạy phải nắm chắc lý luận, học lý luận gắn liền với thực tế; học đi đôi với hành; học một cách chủ động, sáng tạo.

Học để làm gì? Người dạy học để làm người, làm cán bộ, để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Ba là, thanh niên học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy chúng ta đạo đức cách mạng là gốc của cán bộ cách mạng. Gốc có vững thì cây mới bền. Người cán bộ cách mạng có đạo đức cách mạng mới trung thành với cách mạng.

Thanh niên cần cù, say mê, sáng tạo trong học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên phải tiết kiệm, sống và sinh hoạt lành mạnh, không xa hoa lãng phí, đua đòi mà quên đi nhiệm vụ, phai nhạt lý tưởng của mình. Thanh niên phải ngay thẳng, trong sáng, sẵn sàng đấu tranh chống lại cái sai, cái ác, bảo vệ cái đúng, cái thiện. Thanh niên luôn đặt cho mình phải cống hiến gì cho Tổ quốc chứ không phải đòi hỏi Tổ quốc đãi ngộ những gì cho mình.

Thanh niên ngày nay phải vươn lên rất nhiều, bộc lộ chính kiến, thể hiện bản lĩnh và phẩm chất của mình trong công việc với chất trí tuệ cao. Thanh niên có tinh thần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đấu tranh để chiến thắng mọi sự cám dỗ thấp hèn của các tiêu cực và tệ nạn xã hội, các văn hóa đồi trụy, lai căng...

Bốn là, cần tăng cường sự quan tâm của Đảng, của Đoàn và của toàn xã hội đối với thanh niên.

Thanh niên có nhiều đặc điểm của lứa tuổi rất sôi nổi, nhiệt tình, dễ tiếp thu cái mới; ham học hỏi... nhưng cũng thiếu độ bền cần thiết, ít có kinh nghiệm nên thiếu kiên trì, bền bỉ, thậm chí dễ mắc sai lầm, thiếu sót.

Đảng cần chăm lo giáo dục, đào tạo thanh niên một cách hệ thống, cơ bản nhằm hình thành thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng vững vàng. Đảng có chính sách để chăm lo giáo dục cho thanh niên một cách toàn diện về tri thức khoa học, về phẩm chất đạo đức, về năng lực hoạt động, về ý thức tổ chức kỷ luật.

Tổ chức Đoàn phải thật sự là tổ chức chính trị tin cậy, là niềm tin, niềm tự hào của thanh niên. Đoàn Thanh niên phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mình để tập hợp, thu hút thanh niên.

Gia đình và xã hội cùng với Đảng, Đoàn Thanh niên chăm lo giáo dục thanh niên. Gia đình không chỉ nuôi dưỡng mà còn giáo dục, dạy dỗ, hình thành nhân cách, định hướng phát triển vào đời cho thanh niên và đây là vấn đề có tính quyết định. Gia đình có nền nếp, có truyền thống gia phong tốt đẹp, ông bà, bố mẹ, anh chị gương mẫu thì thanh niên sẽ nối tiếp truyền thống mà vươn lên. Ngược lại gia đình lộn xộn, lỏng lẻo, tan vỡ thì thanh niên khó đứng vững trước sóng gió của cuộc đời và trở thành người tốt.

Tính xã hội của thanh niên rất cao. Thanh niên có nhu cầu giao tiếp xã hội rộng rãi, có nhu cầu, có việc làm và khẳng định vị thế trong xã hội. Vì vậy, sự quan tâm, chăm sóc của xã hội là môi trường và điều kiện thuận lợi cho thanh niên học tập và hành động theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Muốn thực hiện được sự nghiệp cách mạng đó, thanh niên phải làm theo năm điều Bác dạy sau đây:

Một là, phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"1, không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu xung phong đi đầu trong sự nghiệp cách mạng.

Hai là, phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ tập thể, của nhân dân, tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật; kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

Ba là, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị, chống kiêu căng tự mãn, chống lãng phí xa hoa, thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ.

Bốn là, ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Năm là, luôn luôn dìu dắt và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo.

Có thể nói, đây là nội dung cơ bản của giáo dục cộng sản chủ nghĩa mà Người đã khái quát hóa nhằm giáo dục và rèn luyện thanh niên trở thành con người mới, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

PGS. TS. Trần Quang Nhiếp

Trích trong “Những bài học nhỏ từ tư tưởng lớn Hồ Chí Minh”,