Đấu thầu Mua săm công

THẢM SÁT THÔN TRÒN- XÃ VẠN TRẠCH 50 NĂM NHÌN LẠI

Ngày đăng: 05/11/2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nửa thế kỷ đi qua, nhưng ít ai biết trên mảnh đất xã Vạn Trạch đã từng xảy ra các vụ thảm sát đẫm máu tại thôn Bắc, thôn Thọ Lộc và đặc biệt là vụ thảm sát tại thôn Tròn- xã Vạn Trạch

 Đúng vào ngày 05/12/1967- cách đây 50 năm về trước, chính trên mảnh đất Thôn Tròn, Đế quốc Mỹ đã gây ra cuộc tàn sát đẫm máu, giết hại 68 thường dân vô tội và làm 16 người bị thương, tàn phá một Làng quê nghèo trên mảnh đất Vạn Trạch giàu truyền thống cách mạng.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Tuy nhiên Đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại hiệp định, nhảy vào Miền Nam hất cẳng Pháp hòng biến miền Nam Việt nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự tạm thời của chúng. Vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự chia cắt nước ta làm hai miền. Cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược đó là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.
Cùng với quân và dân cả nước, Bố Trạch lúc bấy giờ là một huyện nằm trên tuyến hành lang vận tải chiến lược giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam. Nơi đây đã trở thành một trong những địa phương của Quảng Bình bị kẻ địch tập trung đánh phá ác liệt, liên tục và dài ngày với các thủ đoạn vô cùng tàn bạo. Chúng đã gây nên nhiều cuộc thảm sát vô cùng ác liệt trên mảnh đất Bố Trạch như: vụ thảm sát thôn Quyết Thắng- xã Thanh Trạch, vụ thảm sát ngầm Hói Hạ- xã Hạ Trạch và vụ thảm sát tại Thôn Tròn- xã Vạn Trạch.
Thôn Tròn trước đây là một xóm nhỏ sống thành một cụm tròn với nông nghiệp là nghề chính. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, người dân thôn Tròn luôn vươn lên, vượt qua bao khó khăn, thử thách để xây dựng nên một làng quê có bề dày truyền thống về văn hóa và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Với vị trí địa lý, địa hình thuận lợi, nơi đây từng là nơi đóng quân của cục Tiền Phương- đoàn 559 từ năm 1960 đến năm 1975 và là một trong những địa phương của xã Vạn Trạch tiếp nhận, nuôi dưỡng đồng bào sơ tán từ Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc trong kế hoạch “K8” và “K10” của Trung ương Đảng.
Kế hoạch “K8” bắt đầu được thực hiện vào tháng 8 năm 1966 với việc cho Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh đưa trẻ em ra sơ tán ở các tỉnh phía Bắc. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và của tỉnh, huyện Bố Trạch đã thành lập Ban lãnh đạo kế hoạch “K8” gồm các đại biểu của ngành Giao thông vận tải, giáo dục, Đoàn thanh niên, phụ nữ và chỉ thị cho các địa phương tổ chức tốt việc đưa đón các cháu từ các huyện phía Nam đi qua. Đầu tháng 8 năm 1966, huyện Bố Trạch đã tổ chức đón tiếp và tiễn gần 3 vạn cháu từ 7 đến 15 tuổi ra các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Hà Bắc, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Kết thúc kế hoạch “K8”, Quảng Bình- Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện kế hoạch “K10” đưa những người già yếu, tàn tật, phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi ra định cư tại huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), Yên Định, Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa).
Tại xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, những nơi các đoàn đi qua, nhân dân luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhường hầm, lo nơi ăn, chốn nghỉ, bảo đảm an toàn tính mạng cho các cháu. Để chăm sóc, hướng dẫn các cháu nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đi theo đoàn “K8” và “K10” đã không quản ngại khó khăn, gian khổ hi sinh để chăm lo cho các cháu chu toàn, tiêu biểu như: Trung úy cảnh sát nhân dân Hồ Bá Thọ đã hàng chục lần lấy thân mình làm thang cho các cháu lên xuống xe và hướng dẫn các cháu đến nơi trú ẩn khi địch đánh phá; trung sỹ cảnh sát Nguyễn Bá Chung đã dũng cảm hy sinh khi cứu 30 cháu “K8” thoát khỏi vòng lửa đạn của giặc Mỹ tại tọa độ bom Thọ Lộc.
Với những thất bại liên tiếp, đế quốc Mỹ điều chỉnh lực lượng, âm mưu mở rộng chiến tranh với những “nấc thang” cao hơn. Một lần nữa, mảnh đất lửa Quảng Bình nói chung và địa bàn huyện Bố Trạch cũng như xã Vạn Trạch nói riêng không nằm ngoài mục tiêu bắn phá mà chính quyền Mỹ vạch ra. Trên địa bàn xã Vạn Trạch, máy bay Mỹ tập trung ném bom, bắn phá rốc két ngày càng ác liệt. Các mục tiêu máy bay Mỹ trút bom đạn nhiều nhất là cầu cống và các thôn xóm dọc đường tỉnh lộ 2, trọng điểm là cầu Đất, cầu Vực Ngọc, cầu Vực Dạ, ngã ba Thọ Lộc, đường Ba Trại. Cả vùng đất Vạn Trạch đã bị bom đạn Mỹ cày xới với đủ các loại bom tấn, bom bi và các pháo bắn từ ngoài biển vào.
Đêm mồng 8 tháng 7 năm 1967, máy bay Mỹ thi nhau thả pháo sáng cả khu vực cầu Đất đến ngã ba Thọ Lộc rồi liên tục trút bom đạn xuống các cầu và địa bàn xóm Tây. Đêm đó, bom đạn giặc Mỹ đã cướp đi sinh mạng 9 người, trong đó có 3 em bé, đốt cháy 33 nóc nhà, 17 con trâu bò của nhân dân bị cháy, chết, hàng chục tấn lúa gạo, hoa màu của nhân dân và của Hợp tác xã bị thiêu hủy.
Sau vụ tàn sát này, Đế quốc Mỹ ngày càng phơi bày dã tâm xâm lược của chúng, bom đạn dội xuống vùng đất Vạn Trạch ngày càng nhiều, mức độ ngày càng ác liệt hơn và chúng gây nên một vụ thảm sát kinh hoàng đối với người dân thôn Tròn vào cuối năm 1967.
Theo lời kể của ông Trần Xuân Khuýnh- nguyên xã đội trưởng từ năm 1961 đến năm 1983 và cô Nguyễn Thị Liễu, vào khoảng 5h ngày 5-12-1967 (ngày mồng 2 tháng 11 năm Đinh Mùi), trong lúc bộ đội cùng với nhân dân thôn Tròn đang thu hoạch thóc lúa đưa về kho để kịp thời chi viện cho chiến trường; các cô, các cháu trường Mầm non đang giờ lên lớp thì một tốp máy bay F4 sau khi oanh tạc từ hướng Bắc vào, chúng dừng lại ở thôn Tròn rồi đánh một loạt bom róc két vào giữa xóm. Bị đánh bật ngờ nên bộ đội, nhân dân địa phương, các cô trò cùng đoàn K10 chưa kịp chạy vào hầm trú ẩn thì một loạt bom nổ ầm ầm, chát chúa vào ngay giữa thôn, vào kho thóc của Hợp tác xã và căn hầm trường Mẫu giáo; cả xóm nhỏ bỗng chốc chìm trong lửa khói mịt mù, mặt đất rung lên bần bật, cửa hầm không chịu nổi sức ép của bom nên đổ sập.
Sau tiếng bom nổ là tiếng rên rỉ của người bị thương, tiếng la hét, kêu khóc của những người còn sống đi tìm đồng đội, người thân; đặc biệt là sự sợ hãi, tiếng kêu thất thanh của những đứa trẻ giữa một vùng đất bị bom đạn cày xới, nhà cửa đổ nát, người chết, người bị thương nằm la liệt, chồng lên nhau. Càng căm phẫn hơn trước thảm cảnh đau thương của căn hầm mẫu giáo, các cháu nhỏ đã bị vùi lấp trong đống đổ nát, các em đã mãi mãi xa cha mẹ, xa gia đình và người thân; Đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của những mầm non đất nước, đã gây nên cảnh tang tóc, chia lìa cho một làng quê nghèo.
Khi tiếng bom vừa dứt, quân và dân, các lực lượng đóng quân trên địa bàn thôn Tròn đã khẩn trương đào bới hầm tìm kiếm người thân, đồng đội và chuyển những người bị thương đi cấp cứu. Tất cả mọi người đã phải nén lại đau thương, gạt đi nước mắt để khâm liệm và chôn cất những người đã mất, có những gia đình đã mất đi đến 6 người thân cùng một lúc.
Vụ thảm sát mà Đế quốc Mỹ gây ra tại thôn Tròn- xã Vạn Trạch là một vụ thảm sát đẫm máu, chỉ trong hai giờ đồng hồ chúng đã cướp đi sinh mạng của 68 người gồm bộ đội, đoàn K10, nhân dân và cán bộ thôn Tròn (đồng chí Hoàng Tố- xã đội phó, chị Nguyễn Thị Cưu, Nguyễn Thị Thuyết là cán bộ Ban chấp hành phụ nữ xã), đặc biệt trong số đó có 14 cháu học sinh mẫu giáo đang trong giờ học; 16 người bị thương. Bom đạn Mỹ đã làm sập hầm, kho thóc, nhà dân, trâu bò bị cháy, chết; hàng chục tấn lúa gạo, hoa màu của nhân dân và của hợp tác xã bị thiêu hủy, trường Mẫu giáo bị cháy hoàn toàn.
Sau vụ thảm sát, nhân dân thôn Tròn đã biến đau thương thành hành động cách mạng, bắt tay vào sửa sang lại nhà cửa, ra sức sản xuất để ổn định cuộc sống và chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.
Trong những năm 1968- 1969, thôn Tròn là điểm dừng chân của bộ đội cũng như các lực lượng vũ trang vào chiến trường miền Nam để chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Tháng 6 năm 1969, khi đoàn xe của cục Tiền Phương chở xăng đang dừng tại thôn Tròn thì bị máy bay địch phát hiện và đánh bom róc két làm cho đoàn xe bị cháy hoàn toàn, 13 chiến sỹ hy sinh, 14 chiến sỹ bị thương. Nhưng rồi vì sự nghiệp thống nhất đất nước, nhân dân thôn Tròn vẫn kiên cường chiến đấu cùng với nhân dân cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, nhân dân thôn Tròn cùng với các địa phương khác của xã Vạn Trạch đã lập được nhiều chiến công xuất sắc “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”, luôn là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam. Tinh thần chiến đấu và những hy sinh, mất mát của nhân dân thôn Tròn đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đập tan âm mưu xâm lược của Đế quốc Mỹ.
50 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát, từ trong đổ nát của chiến tranh, nhân dân thôn Tròn đã xây dựng lại quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhân dân thôn Tròn đang thi đua lao động sản xuất, cùng với xã nhà hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thấy được mức độ ác liệt của chiến tranh cũng như sự hi sinh cao cả, cống hiến của nhân dân Vạn Trạch nói chung và thôn Tròn nói riêng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chiều ngày 29 tháng 9 năm 2017, Ban quản lý Di tích tỉnh Quảng Bình phối hợp với phòng Văn hóa- TT huyện Bố Trạch và UBND xã Vạn Trạch tổ chức Hội nghị thẩm định Di tích lịch sử vụ thảm sát thôn Tròn (05/12/1967).


ẢNH HỘI NGHỊ

Sau thời gian thẩm định, ngày 20/10/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3713/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với vụ thảm sát thôn Tròn, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch. Đồng thời  nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp sử dụng đất ở di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2017
Vụ thảm sát diễn ra cách đây tròn 50 năm nhưng những đau thương, mất mát đến nay vẫn còn là nỗi kinh hoàng trong tiềm thức, tình cảm của người dân Thôn Tròn. Nó cho chúng ta thấy được sự hy sinh, mất mát lớn lao của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhìn lại vụ thảm sát tại thôn Tròn để giúp cho chúng ta hiểu đầy đủ hơn mức độ ác liệt của chiến tranh và niềm hạnh phúc được sống trong hoà bình. Để rồi mỗi chúng ta có một tình cảm thương yêu, trân trọng và tiếc thương những con người đã khuất và sự mất mát của người thân vì chiến tranh. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình – những người được sống trong cảnh đất nước hòa bình, không có chết chóc bom đạn. Sống và cống hiến sao cho xứng đáng với niềm mong mỏi và sự hi sinh mất mát của những người đã khuất.

 

Các tin khác