Đấu thầu Mua săm công

Hình tượng Đảng trong thơ Tố Hữu

Ngày đăng: 13/03/2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+
(Toquoc)- Có người bảo, đối với Tố Hữu, trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của mình, bên cạnh các chủ đề về dân tộc, đất nước, Bác Hồ kính yêu, chủ đề về Đảng là một phần quan trọng không thể thiếu được. Bởi chỉ có Đảng mới đem lại cho ông một sự nghiệp thơ đồ sộ đến như vậy.

Đảng là nguồn cảm hứng thi ca

Ngay những ngày đầu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tố Hữu đã viết:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim”

(Từ ấy)

Cái “mặt trời chân lý” ấy là tượng trưng con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà cậu thanh niên Nguyễn Kim Thành đã tự giác đứng vào, tham gia và phấn đấu theo con đường ấy trong suốt cả cuộc đời hoạt động của mình. Và cũng từ đấy, Đảng trước hết là nguồn cảm hứng vô tận trong quá trình sáng tạo thi ca của Tố Hữu.

Tố Hữu là người biết làm thơ từ khi mới lên sáu, bảy tuổi, nhưng có lẽ phải đến tuổi thành niên, những năm 1937- 1938 trở đi, thơ ông mới thực sự bộc lộ những nét khác biệt. So với các nhà thơ cùng thế hệ, Tố Hữu đã chọn cho mình một con đường đi riêng cho thi ca:

“Ta đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ”

(Từ ấy)

Trong khi các nhà thơ cùng trang lứa, thuộc thế hệ thơ mới trốn vào tháp ngà nghệ thuật xa rời hiện thực đau khổ của đời sống cần lao như Chế Lan Viên mãi khóc thương về bóng ma Chiêm Thành cổ kính, Quách Tấn hoài nhớ những lâu đài vàng son rực rỡ của họ Tấn, họ Tạ bên Trung Quốc, Xuân Diệu dệt mộng yêu đương tưởng tượng, Hàn Mặc Tử thác loạn trong thơ điên… còn Tố Hữu lại chỉ quan tâm viết về cuộc đời có thực của những người cần lao đau khổ, đang cần sự cứu rỗi của người đời.

Nhưng có lẽ, chỉ đến khi đất nước ta có độc lập, miền Bắc được sống trong hòa bình, tự do dựng xây đất nước, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, thì khi ấy nguồn cảm hứng về Đảng của Tố Hữu mới thực sự dâng trào như dòng suối nguồn vô tận.

Mở đầu bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” (1960) Tố Hữu như vỡ òa trong niềm vui sướng đến tột độ được đứng trong hàng ngũ, cũng là niềm vui được viết nên những vần thơ ca ngợi Đảng:

“Anh chị em ơi

Ba mươi năm đời ta có Đảng

Hôm nay ôn lại quãng đường dài

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm...”.

Bởi lẽ trước khi có Đảng, dân ta sống trong cảnh nô lệ, tối tăm, mù mịt không biết đi về đâu:

“...Thuở nô lệ dân ta mất nước

Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm

Một đời đau suốt trăm năm

Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao...

Xóm làng ta xơ xác héo hon

Nửa đêm thuế thúc trống dồn

Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy

Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ

Anh chạy vào đất đỏ làm phu

Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mất tầng....

Kiếp người cơm vãi cơm rơi

Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi…”

Đối với Tố Hữu lúc bấy giờ, Đảng ta như có phép mầu nhiệm, có thể nghe hiểu thấu nỗi thống khổ cơ hàn của hàng triệu người dân mất nước. Dù lời thơ có phần cường điệu hóa, nhưng cốt lõi vẫn là tấm lòng của một đảng viên đối với tổ chức mà mình là một thành viên, đấy chính là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh:

“Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng

Đảng ta muôn vạn công nông

Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin

Đảng ta Mác-Lênin vĩ đại

Đã hồi sinh trả lại cho ta

Trời cao đất rộng bao la

Bát cơm tấm áo, hương hoa hồn người…”.

 

Đảng là một phần máu thịt của chủ thể sáng tạo

Sau khi giành được độc lập (1945), dân tộc Việt Nam lại phải xốc lại đội ngũ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chín năm. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên

“một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Bởi lẽ:

“...Chín năm nắng núi mưa ngàn

Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau...”

Một khi nhà thơ đã tự nguyện:

“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu...”

(Bài ca Mùa Xuân 61)

Như vậy rõ ràng nhà thơ đã thuộc về Đảng thân yêu của mình. Và Đảng là một phần máu thịt không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của nhà thơ

Tôi chia sẻ với ý kiến của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi ông cho rằng:

“Cả đời anh đam mê thơ ca, nhưng đối với anh (Tố Hữu), làm thơ chủ yếu để giãi bày lòng mình với đời. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, hầu hết thời gian và tâm lực, anh dành cho công tác tư tưởng, tuyên truyền, công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng. Anh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sự, trợ thủ đắc lực của đồng chí tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn suốt hai cuộc chiến tranh vĩ đại chống xâm lược, đầy cam go, hy sinh, thử thách”.

Đối với một người như Tố Hữu, nói về Đảng, trong một tương quan nào đó cũng đồng nghĩa với nói về dân tộc Việt Nam, về Bác Hồ kính yêu, người đã sáng lập và dày công rèn luyện Đảng ta trở thành “công bộc” của nhân dân. Bởi lẽ tinh hoa của dân tộc là Đảng, người sáng lập ra Đảng là Hồ Chủ tịch. Như vậy có thể nói dân tộc, Đảng và Bác Hồ luôn lồng quện vào nhau thành một thể thống nhất không thể tách rời ngay cả khi:

“Nghèo rau cháo từng lon gạo bữa

Dành cho ta chút sữa cầm hơi

Dù khi tắt lửa tối trời

Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta...”, bởi lẽ:

“Ta nhớ người đau khổ nuôi ta

Ơn người như mẹ như cha

Lòng dân yêu Đảng như là yêu con...”.

Dù chưa phải là tất cả, vì đến thời điểm bài thơ ra đời, chỉ mới là ba mươi năm dân ta có Đảng, mà nhà thơ đã khái quát như một tất yếu lịch sử sự kết hợp giữa Dân- Đảng- Bác Hồ để kết thúc bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”:

“Ba mươi năm bước đường qua

Đời ta có Bác xông pha dẫn đường

Người đi trước nghìn sương muôn tuyết

Dắt dìu dân nước Việt Nam ta

Bạc phơ mái tóc người cha

Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”.

Đối với Tố Hữu, công việc chính được Đảng giao là lãnh đạo tư tưởng và văn hóa, làm thơ như một niềm đam mê riêng. Nhưng dù sao công tác tư tưởng của Đảng mà ông là người đảm trách và sự nghiệp thi ca của riêng ông cũng có những ảnh hưởng qua lại không thể tránh khỏi. Ảnh hưởng đó nhiều khi được ông chủ động kết hợp hai yếu tố Đảng và thơ. Trong bài “Chuyện thơ” Tố Hữu đã nói rõ quan điểm của mình khi có người hỏi ông về điều ấy:

“Làm bí thư hoài có bí... thơ?

Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ.

Thuyền đi theo lái qua mưa gió.

Không lái thuyền đi lạc bến bờ”.

“Nặng duyên tơ” thực ra cũng chỉ là một cách nói. Đối với người như Tố Hữu thực chất thơ với Đảng đã hòa quện làm một ngay từ khi ông xác định đứng trong hàng ngũ của Đảng để phục vụ nhân dân và để làm thơ. Hai công việc tưởng chừng như rất khác nhau ấy đối với nhiều người khác, còn với Tố Hữu chỉ là hai mặt, hai khía cạnh của con người ông. Đấy là mục đích, lý tưởng và lẽ sống của ông trong suốt cuộc đời: sống cho Đảng và để làm thơ.

Có lẽ so với các nhà thơ cùng thế hệ ông, cũng như thế hệ các nhà thơ sau này, chưa ai giác ngộ về Đảng sớm đến thế, cũng như chưa ai nhiệt thành ca ngợi Đảng đến cuồng si suốt đời như Tố Hữu. Điều ấy đã làm nên một diện mạo thơ Tố Hữu không trộn lẫn với bất kỳ ai. Cũng rất ít ai có thể ngờ được rằng khởi đầu chỉ là cảm nhận của cậu bé Nguyễn Kim Thành về Đảng, như một thực thể hãy còn hết sức mơ hồ, nhưng đã tạo cho cậu ta một nguồn cảm hứng đẹp và vô tận để viết nên những dòng thơ đầu tiên trong veo, đầy tính nhân văn trong “Từ ấy”. Từ đó cậu bé Kim Thành như bị nguồn cảm hứng ấy dẫn dụ đến mức nó trở thành một phần vô cùng quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo thi ca của một nhà thơ mang tên Tỗ Hữu./.

Ngọc Tâm

Các tin khác